Những tâm lý cần có trong một ván Cờ tướng

Suy cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là công tác chuẩn bị tâm lý cho vận động viên cờ trong thi đấu. Một ván cờ tướng cần những tâm lý gì?

Để làm sáng tỏ vấn đề này, tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc công trình nghiên cứu của Đại kiện tướng Viorel Bologan làm tài liệu để các huấn luyện viên chúng ta cùng tham khảo.

 

Trong công tác chuẩn bị tâm lý thi đấu cho vận động viên, huấn luyện viên cần tập trung vào một số yếu tố sau:

a) Độ tập trung và tính cẩn thận

Nhân tố tập trung và tính cẩn thận của người chơi cờ được đánh giá từ góc độ của những sai lầm trong ván cờ cũng như trong những tính chất của chúng. Trong công tác huấn luyện, có thể chia những sai lầm do mất tập trung ra làm nhiều loại như “ô bị che khuất”, “quân bị lãng quên”, “nước đi hiển nhiên”…

 

Một yếu tố khác để xác định độ tập trung của vận động viên trong ván cờ còn là “hành vi” của anh ta khi thi đấu. Lấy ví dụ G. Kasparov, trong nhiều thời điểm quyết định của cuộc đấu, khi đối phương đang suy nghĩ, Kasparov thường dời bàn cờ để đi dao. Ngoài hiệu quả tâm lý (đối phương cảm thấy bất ổn vì dường như Kasparov rất tin tưởng vào thế cờ của mình), điều này còn cho phép nhà Vô địch nhìn thế cờ bao quát hơn. Và quan trọng hơn thế nữa, sau giây phút thư giãn, bộ não có khả năng bắt đầu lại sự tập trung cao độ.

 Game cờ tướng

b) Trí nhớ

Một trong những phẩm chất có tính tâm lý quan trọng và cần thiết nhất đối với người chơi cờ là trí nhớ tốt. Trí nhớ tốt cho phép rút ngắn thời gian quyết định trong việc lựa chọn nước đi hay kế hoạch chơi khi cần thiết, đồng thời tiết kiệm sức lực và thời gian. Trong thực tế thi đấu cho thấy, nhờ kiến thức và hiểu biết về lý thuyết khai cuộc sâu sắc, các Đại kiện tướng chỉ thật sự “bắt đầu” ván cờ của mình sau khi đã triển khai các thế cờ chuẩn. Về khía cạnh này phải kể đến G. Kasparov. Trí nhớ tuyệt diệu của nhà Vô địch cộng với công tác chuẩn bị khai cuộc sâu sắc đã giúp anh thực sự tiết kiệm sức lực và thời gian trong thi đấu trước nhiều đối thủ mạnh. Và đó cũng là nguyên nhân tại sao các giai đoạn trong ván cờ của anh đều được chơi với trình độ cao và không sai sót.

 

c) Khả năng chịu đựng những tác động ngoại cảnh cũng như nội tâm

Nói đến tác động ngoại cảnh, ta hiểu là những yếu tố, trên thực tế tác động xấu đến người chơi cờ tập trung suy nghĩ tìm nước đi. Có thể kể đến tiếng ồn trong phòng thi đấu, thiếu ánh sáng, bàn nghế, nóng nực… thậm chí kể cả chất lượng quân và bàn cờ. Trên thực tế, ảnh hưởng của những yếu tố kể trên phụ thuộc rất nhiều vào những đặc tính tâm lý của từng người chơi cụ thể.

 

Để có khả năng chịu đựng được những tác động của ngoại cảnh, ta có thể áp dụng phương pháp rèn luyện của M. Botvinnhic. Trong thời gian chuẩn bị giải, khi phân tích các thế cờ hoặc đấu tập, Botvinnhic chủ động tạo ra tiếng ồn bằng cách bật radio. Bằng cách này ông đã rèn luyện được kỹ năng chịu đựng được tác động của ngoại cảnh.

 

Những tác động nội tâm là trăn trở không có liên quan trực tiếp tới những ván cờ đang chơi. Nó tác động lên người chơi cờ bằng cách gây sức ép lên cấu trúc thần kinh và làm sai lệch quá trình xử lý thông tin trong ván đấu.

 

Các bạn hãy cùng đón đọc phần tiếp theo của bài viết để cùng tìm hiểu và đưa ra những phương pháp chuẩn bị tâm lý trước những lần thi đấu nhé.

 

Chúc các bạn may mắn!