Đối thủ trên bàn cờ không phải kẻ thù mà chính là tri kỷ

Chơi cờ là một hoạt động giải trí cao cấp. Cờ tướng 32 quân, bàn cờ nho nhỏ, Sở hà Hán giới, đỏ đen đối đầu, gió giật mây vần, khó mà đoán định, ẩn chứa bên trong là đạo lý tiến thoái tồn vong, lại có biết bao huyền diệu âm dương, dài ngắn. 

Ở Việt Nam, cờ tướng cũng là một môn khá phổ biến, được nhiều người yêu thích, thường gặp nhất là những bàn cờ vỉa hè, nơi có rất nhiều người cùng vây quanh bàn cờ, bình luận, mách nước, không khí thực náo nhiệt, rôm rả.

Giai thoại Cao Bá Quát chơi cờ với Tự Đức

Chuyện xưa kể lại rằng, có lần Chu Thần Cao Bá Quát chơi cờ với vua Tự Đức. Thấy cờ mình đang ưu, đôi ngựa nhảy tung tăng, vua bèn đắc ý đọc:

“Lưỡng Mã trì khu thiên lý địa” (tức là: Đôi ngựa tung tăng muôn dặm đất).

Cao Bá Quát vốn tính ngông, thẳng thắn, cũng không chịu lép. Thấy cặp xe của mình đang uy hiếp quân tướng của nhà vua bèn đối trả lại rằng:

“Song Xa truy kích cửu trùng thiên” (tức là: Cặp xe đuổi đến chín tầng trời).

Vua giận tái mặt vì câu đối khá “hỗn” này. Cao Bá Quát dám khoe đôi xe của mình truy đuổi “cửu trùng”. Cửu trùng là từ dùng để chỉ các bậc hoàng đế, quân vương.

                                                                                                          ***

Người giỏi chơi cờ tướng không phải là ở những việc hãm tướng, vây thành, bắt xe, giết mã mà là ở tầm nhìn, trí tuệ, định liệu được đại cục, rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ. 

 

Thắng thua trong cờ tướng chỉ là chuyện thứ yếu. Người chơi cờ chỉ với mục đích sát phạt, thắng thua thì cổ nhân không hề coi trọng. Trái lại, chơi cờ chính là rèn trí lực, tu tâm tính, vừa là thưởng thức một nét văn hóa, vừa là giải trí giải khuây. Đối thủ trên bàn cờ không phải kẻ thù mà chính là tri kỷ.

Chúng ta thường thấy những bậc cao cờ dù thắng dù thua, kết thúc ván cờ vẫn là tay bắt mặt mừng, cung kính lễ nghĩa, xem nhau như tri kỷ. Ngày nay, sau hàng nghìn năm lưu truyền, cờ tướng đã dần mất đi vẻ đẹp thuần thiện ban đầu. Người ta đấu cờ là để so tài cao thấp, tranh đua giải thưởng, thể hiện cái tôi, tranh đấu không ngừng. Những điều đó vốn không có trong đạo đánh cờ.

Vậy mới nói, đánh cờ cũng là tấm gương phản ánh của đạo làm người vậy. Kẻ hiếu thắng thì nước đi mạnh bạo, chỉ thích sát phạt, ăn quân, tham bát bỏ mâm, không nhìn đại cuộc. Người quân tử đánh cờ là nhìn trước nhìn sau, phân tích thế trận, ứng đối khôn khéo, điềm đạm, thanh thản, thắng không kiêu, bại không nản, từ chuyện đánh cờ mà ngẫm về đạo tu thân, làm người. Ấy mới là người cao cờ thực sự vậy!